Kinh nghiệm du lịch bụi, phượt Gia Lai từ A đến Z
- 22/06/2017
Khi cuộc sống đô thị chật chội khiến mọi thứ trở nên tù túng, một chuyến du lịch Gia Lai để tự do đắm chìm trong vẻ đẹp vừa hùng vĩ lại vừa hoang sơ của mảnh đất Tây Nguyên là trải nghiệm tuyệt vời mà bất cứ ai cũng khó có thể chối từ.
Là một tỉnh nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, trên độ cao trung bình khoảng 700-800m so với mực nước biển, Gia Lai sở hữu địa hình khá phức tạp với sự đan xen của các ngọn núi, cao nguyên và thung lũng. Chính địa hình này đã đem tới cho Gia Lai một tiềm năng du lịch dồi dào, phong phú. Không chỉ có cảnh quan tự nhiên và nhân tạo hấp dẫn, Gia Lai còn sở hữu nền văn hóa lâu đời của đồng bào các dân tộc như Bana, Giarai…
Từ núi Chư Đăng Ya nhìn xuống là một vùng bình nguyên xanh thắm
Bạn đang muốn phượt Gia Lai tự túc? Bạn đang muốn biết kinh nghiệm du lịch Gia Lai từ những người đi trước. Mời bạn cùng theo dõi những kinh nghiệm mà THUEXETAIDAY.net chia sẽ dưới đây nhé!
Tổng quan về du lịch Gia Lai
Gia Lai là một tỉnh miền núi nằm ở khu vực phía Bắc cao nguyên Trung Bộ; phía Bắc giáp tỉnh Kon Tum, phía Nam giáp tỉnh Đắk Lắk, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, phía Tây giáp tỉnh Ratanakiri (Campuchia) với đường biên giới chạy dài khoảng 90km.
Gia Lai có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng. Sân bay Pleiku cùng Quốc lộ 14, 25, 19 và đường Hồ Chí Minh nối kết Gia Lai với các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, TPHCM và nhiều địa phương khác trong cả nước. Gia Lai có tổng diện tích tự nhiên là 15.485 km2, độ cao trung bình so với mặt biển từ 800 – 900m. Đỉnh núi cao nhất là núi Konkơkinh (1.748m). Gia Lai có 15 đơn vị hành chính: thành phố Pleiku; thị xã An Khê và các huyện: Đăk Pơ, Đăk Đoa, A Yun Pa, Chư Păh, Chư Prông, Chư Sê, Đức Cơ, La Grai, Kbang, Krông Pa, Kong Chro, Mang Yang, Ia Pa.
Đến Gia Lai vào thời gian nào thích hợp?
Các bạn nên đến Gia Lai vào mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau và đặc biệt hơn là vào những tháng cuối năm từ 11 – 12 bởi vì, đây là thời gian hoa Dã Quỳ nhuộm vàng trên các nẻo đường, và mùa lúa chín vàng trên nương, và đây còn là thời điểm của mùa lễ hội. Theo kinh nghiệm du lịch Gia Lai thì cuối tháng 2 – tháng 3 là mùa hoa cà phê nở trắng trời Tây Nguyên, rất phù hợp cho những tay săn ảnh nhé.
Du khách khó có thể cưỡng lại sự quyến rũ của Chư Đăng Ya
Di chuyển đến Gia Lai bằng phương tiện gì?
Cách di chuyển đến Gia Lai
Hiện tại có 2 cách di chuyển thông dụng nhất để đến du lịch Gia Lai đó là đi xe khách & máy bay:
Xe khách: Gia Lai cách TP.HCM khoảng 650km, nếu các bạn di chuyển bằng xe khách thì nên đi các hãng xe tuyến Pleiku hoặc Gia Lai tại bến xe Miền Đông, sẽ mất khoảng 14 tiếng di chuyển, các hãng xe thường đi vào buổi tối để sáng ngày hôm sau là tới nơi. Khi tham quan các điểm tại Gia Lai các bạn có thể đi xe máy. Mức giá từ bến xe miền Đông đến PleiKu khoảng 270k.
Xe Thuận Hưng (Chạy tuyến Sài Gòn – Gia Lai)
Khởi hành tại 2 đầu bến lúc 19h30 – 20h – 20h15.
Tại Sài Gòn: 236 quốc lộ 13 – P.26 – Bình Thạnh. Điện thoại (08).3.903.3066 – 0935.272.878.
Tại Gia Lai: 77 Đinh Tiên Hoàng – TP. Pleiku. Điện thoại: (059).3.715.785 – 3.718.889.
Xe Hưng Thành (Chạy tuyến Sài Gòn – Gia Lai)
Sài Gòn: Bến xe Miền Đông hoặc 224/11 QL13 phường 26 Bình Thạnh. ĐT: (08).2.200.4005 hoặc 0905.84.8888. Xuất bến lúc 7h tối.
Gia Lai: Phòng vé Bến xe Đức Long. ĐT: (059).2.471.266. Văn phòng công ty: 78 Lê Thánh Tôn -Pleiku – Gia Lai. ĐT: (059)3.877.877 – 3.877.777
Xe Gia Phúc (Chạy tuyến Sài Gòn – Gia Lai)
Khởi hành lúc 19h30 mỗi ngày.
Sài Gòn: 371 Nguyễn Kiệm – P3 – Gò Vấp. Điện thoại (08).3.985.7630 – 0989.974.311 – 0973.360.666. Bến xe Miền Đông quầy vé số 41, cửa 2A.
Gia Lai: 128A Lý Thái Tổ, Pleiku. Điện thoại (059).3.888.833 – 3.887.888 – 0903.554.949 – 0983.234.249. Lô 18 đường Thi Sách (chợ Gia Lai) (059).3.829.321. Khu vực chợ Yên Thế – Biển Hồ (059).6.284.027.
Có ăn khuya miễn phí. Xe ghế nằm và ghế ngồi. Tại Gia Lai có xe đưa đón.
Máy bay: Tại Gia Lai có sân bay Pleiku được khai thác đường bay bởi Vietnam Airlines & Jetstar. Tuy nhiên giá vé cho chặng bay nên thường cao hơn so với các chặng khác trong cùng khu vực Tây Nguyên. Theo kinh nghiệm du lịch Gia Lai bạn nên chủ động được về thời gian bạn nên book vé từ sớm để tiết kiệm chi phí.
Máy bay vận chuyển hành khách tại sân bay Pleiku (Gia Lai)
Phương tiện đi lại tại Gia Lai
Ở Gia Lai có rất nhiều phương tiện để bạn lựa chọn, khám phá thành phố nhưng có hai hình thức phổ biến nhất là xe bus và taxi:
Xe bus: Với phương tiện công cộng tại Gia Lai này bạn có thể đi một số chuyến sau với giá từ 10-30k: Pleiku – Kon Tum, Pleiku – Ia Grai, Đức Cơ, Chư Sê, Chư Puh, Chư Prong…
Tại Gia Lai có những hãng taxi uy tín như:
- Taxi Mai Linh: (059).3717.979
- Taxi Tre Xanh: (059)371.6666
- Taxi Huy Hoàng: (059).375.75.75
- Taxi Hùng Nhân: (059).3.71.71.71
- Taxi Phú Quý: (059).3.872.777
Ngoài ra, bạn khá dễ dàng thuê được xe gắn máy tại các nhà nghỉ, khách sạn để đáp ứng nhu cầu đi lại tham quan, khám phá của mình, chủ động và tiết kiệm chi phí hơn cả nếu di chuyển bằng xe ôm hay taxi. Chi phí khoảng 150.000 – 200.000đ/ ngày (tùy xe).
Lưu ý: Các tuyến đường trên Tây Nguyên khá hẹp, dốc, cần chạy chậm, quan sát rộng cũng như tránh xe khách chạy ngược chiều (khá ẩu).
Lưu trú ở đâu khi du lịch Gia Lai
Khách Sạn Hoàng Anh Gia Lai – Pleiku
Hầu hết các địa điểm tham quan đều ở thành phố Pleiku, hoặc không quá xa thành phố. Do đó, bạn có thể đi trong ngày rồi về thành phố Pleiku để nghỉ ngơi. Dưới đây là một số khách sạn, nhà nghỉ cho bạn:
- Khách sạn Hoàng Anh Pleiku – 1 Phù Đồng, TP. Pleiku, Gia Lai – Tel: (059).3.718.459
- Khách sạn Đức Long – 95-97 Hai Bà Trưng, TP. Pleiku, Gia Lai – Tel: (059).3.876.303
- Khách sạn Pleiku – 124 Lê Lợi, TP. Pleiku, Gia Lai – Tel: (059).3.824.628
- Khách sạn Tre Xanh – 18 Lê Lai, TP. Pleiku, Gia Lai – Tel: (059).3.715.787
- Khách sạn Hùng Vương – 205 Hùng Vương, TP. Pleiku, Gia Lai – Tel: (059).824.270
- Khách sạn La Ly – 89 Hùng Vương, TP. Pleiku, Gia Lai – Tel: (059).3.245.858
- Khách sạn Thanh Lịch – 86 Nguyễn Văn Trỗi, TP. Pleiku, Gia Lai – Tel: (059).3.824.674
- Khách sạn Vĩnh Hội – 39 Trần Phú, TP. Pleiku, Gia Lai – Tel: (059).3.824.644
- Khách sạn 197 – 197 Hùng Vương, TP. Pleiku, Gia Lai – Tel: (059).3.823.659
- Khách sạn Hoàng Gia – 59 đường Wừu, TP. Pleiku, Gia Lai – Tel: (059).3.875.620
- Khách sạn Tây Đô – 130 Lê Lợi, TP. Pleiku, Gia Lai – Tel: (059).3.825.532
- Khách sạn Thanh Bình – 93 Hai Bà Trưng, TP. Pleiku, Gia Lai – Tel: (059).3.823.561
- Khách sạn Thuận Hải – 96 Trần Phú, TP. Pleiku, Gia Lai – Tel: (059).3.824.476
- Khách sạn Việt Trường – 84 Hùng Vương, TP. Pleiku, Gia Lai – Tel: (059).3.824.515
- Nhà khách Công Đoàn – 9B Hai Bà Trưng, TP. Pleiku, Gia Lai – Tel: (059).3.824.073
- Nhà khách Hải Quan – 18 Trần Hưng Đạo, TP. Pleiku, Gia Lai – Tel: (059).3.823.756
- Nhà khách Ialy – 89 Hùng Vương, TP. Pleiku, Gia Lai – Tel: (059).3.824.843
- Nhà khách Tỉnh ủy – 2 Lê Hồng Phong, TP. Pleiku, Gia Lai – Tel: (059).3.822.080
- Nhà khách Ủy Ban – 57 Quang Trung, TP. Pleiku, Gia Lai – Tel: (059).3.824.657
Các điểm tham quan khi du lịch Gia Lai
Gia Lai được biết đến là một địa điểm du lịch có vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, vẻ mơ màng của những dòng sông hay nét thơ mộng của biển hồ bí ẩn. Dù không mang trong mình vẻ đẹp mỹ miều, tráng lệ như những điểm du lịch khác trong cả nước nhưng du lịch Gia Lai vẫn luôn thu hút được rất nhiều khách tới tham quan và nghỉ dưỡng.
Biển Hồ (hồ T’Nưng)
Được mệnh danh là “đôi mắt Pleiku”, Biển Hồ là một hồ nước ngọt nằm ở phía Tây Bắc thành phố Pleiku, cách trung tâm thành phố khoảng 7 km theo quốc lộ 14. Sở dĩ nơi đây có tên gọi là Biển Hồ vì mỗi khi có gió lớn, những cơn sóng lại nhấp nhô trên mặt hồ như sóng biển.
Hồ T'Nưng - Mênh mông Biển Hồ
Biển Hồ được xem là một trong những hồ nước có vẻ đẹp tự nhiên và thơ mộng nhất ở khu vực Tây Nguyên. Vào những ngày đẹp trời, nhìn từ xa Biển Hồ mê hoặc du khách với màu xanh bạt ngàn của nước biển và nghe thoảng trong gió là tiếng thông reo vi vu.
Ngoài ra, Biển Hồ còn là vựa cá lớn của Tây Nguyên, gồm đủ loại cá nước ngọt như cá chép, cá trắm, cá trôi, cá đá, cá niềng, cá chày, cá ngựa… đồng thời là hồ nước ngọt quan trọng cấp nước cho thành phố Pleiku.
Chùa Minh Thành
Là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất ở Tây Nguyên, Minh Thành không chỉ là niềm tự hào của người dân phố núi mà còn là địa điểm tham quan hấp dẫn của Pleiku. Đặc biệt, không giống như những ngôi chùa khác mang đặc trưng của phật giáo Tiểu thừa, chùa Minh Thành chịu ảnh hưởng nhiều từ kiến trúc Trung Quốc và Nhật Bản.
Chùa Minh Thành - Một vẻ đẹp nơi phố núi
Chùa được xây dựng từ năm 1964 bởi Hòa thượng Thích Giác Đạo và trở thành nơi thờ cúng, dâng hương của phật tử trong vùng. Trải qua những biến động của lịch sử, chùa Minh Thành đã trải qua nhiều đợt trùng tu và vẫn tiếp tục mở rộng cửa để đón thêm nhiều du khách đến tham quan.
Quảng trường Đại Đoàn Kết
Được mệnh danh là trái tim của Pleiku, Quảng trường Đại Đoàn Kết tọa lạc giữa trung tâm thành phố, gần quốc lộ 14 là một trong những công trình trọng điểm của thành phố Pleiku. Quảng trường rộng 12 ha, nổi bật với bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tựa lưng vào Hàm Rồng – mô phỏng đỉnh cao nhất của cao nguyên Pleiku. Phía sau tượng là bức phù điêu được tạc trên đá trắng, tái hiện khung cảnh và cuộc sống người dân Tây Nguyên. Trước khu tượng đài là những bãi cỏ được xén ô vuông như quảng trường Ba Đình.
Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên
Nhà tù Pleiku
Là một điểm tham quan độc đáo cho du khách mỗi khi đặt chân đến Pleiku, nhà tù Pleiku từng là nơi giam giữ tù chính trị dưới thời Pháp, Mỹ (trước 1975) với nhiều hình thức tra tấn và dã man. Sau năm 1975, chính quyền địa phương đã đầu tư cải tạo một số hạng mục và gìn giữ nhà tù làm nơi giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ.
Biển Hồ chè
Nằm trên bờ Bắc Biển Hồ, gọi là Biển Hồ chè bởi đó là sự kết hợp giữa hồ nước thủy lợi và nương chè bạt ngàn. Đồi chè ở đây chỉ cách thành phố Pleiku khoảng 13 km, nằm trên địa phận huyện Chư Pah. Đây cũng chính là đồn điền chè đầu tiên của người Pháp ở Gia Lai, hình thành từ những năm 20 thế kỷ trước.
Bát ngát những nương chè Pleiku
Núi lửa Chư Đăng Ya
Núi lửa Chư Đăng Ya nằm cách trung tâm phố núi Gia Lai khoảng 30 km về hướng Đông Bắc, thuộc địa phận làng Ploi lagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah, ẩn mình giữa rừng xanh, đại ngàn hùng vĩ. Mỗi mùa Chư Đăng Ya lại quyến rũ du khách bằng một nét riêng: vào mùa mưa, Chư Đăng Ya được bao phủ bởi màu xanh bạt ngàn của những ruộng khoai lang, khoai môn hay cây dong riềng, còn đến mùa khô, hàng vạn đóa hoa dã quỳ bung nở khắp sườn núi thu hút du khách khắp nơi tìm về.
Thủy điện Yaly
Nằm giữa núi đồi Tây Nguyên hùng vĩ, nhà máy thủy điện Yaly nằm bên dòng sông Sê San, thuộc địa bàn xã Ialy, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai, là một hệ thống công trình hiện đại và đồ sộ, vừa lộ thiên vừa ẩn mình trong lòng núi. Con đường từ quốc lộ 14 vào nhà máy được trải nhựa đen nhánh, phẳng lỳ, nằm giữa những khu dân cư đông đúc, những cánh rừng cao su xanh ngắt, những dãy biệt thự cổ kính, đẹp như tranh vẽ. Hiện nay, nơi đây vẫn là điểm đến du lịch thú vị đến đây, du khách có dịp thăm nhà máy thủy điện, ghé bản làng dân tộc Gia Rai, đi thuyền ngược dòng sông Sê San ngắm cảnh núi và thưởng ngoạn không khí núi rừng Tây Nguyên.
Thác Phú Cường
Thuộc địa phận xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, cách thị trấn Chư Sê khoảng 3 km và cách thành phố Pleiku khoảng 45 km về phía Đông Nam thác Phú Cường thu hút du khách nhờ vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ, kỳ vĩ. Đến đây vào mùa mưa, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của dòng thác như dải lụa mềm vắt ngang núi rừng Tây Nguyên, còn vào mùa khô bạn sẽ được cưỡi voi khám phá núi rừng hay tắm tiên trên dòng suối La Peet.
Thác Phú Cường cao nhất Tây Nguyên là điạ danh không thể bỏ qua khi du lịch Gia Lai
Hồ thủy điện Auyn Hạ
Đây cũng là một khu du lịch sinh thái hoang sơ mà nếu có thời gian thì bạn nên ghé. Hồ Ayun Hạ cách thác Phú Cường khoảng 25km nữa, có chiều dài đến 20km, chạy dọc theo nhiều buôn làng dân tộc thiểu số Ba Na và Gia Rai. Điểm rộng nhất đến 2km và điểm sâu nhất là hơn 20m. Phần lòng hồ thuộc địa phận huyện Chư Sê nhưng cổng vào hồ thì thuộc địa phận huyện Ayun Pa.
Vườn quốc gia Kon Ka Kinh
Thuộc địa phận 3 huyện Mang Yang, Kbang, Đak Đoa của tỉnh Gia Lai (cách thành phố Pleiku khoảng 50 km). Trong rừng có rất nhiều kiểu cây khác nhau (lá rộng, lá kim), có nhiều loại cây vô cùng quý hiếm. Các loại động thực vật ở đây rất phong phú và đa dạng. Ban quản lý vườn quốc gia hiện tổ chức các chuyến du lịch sau:
+ Du lịch sinh thái đường mòn thiên nhiên (đi bộ xuyên rừng)
+ Chinh phục đỉnh Kon Ka Kinh (cao khoảng 1.748m)
+ Du lịch sinh thái tham quan, quan sát, nghiên cứu động vật hoang dã (đi theo tuyến ngắm động vật hoang dã như khỉ, hươu, lợn rừng, sóc bay..)
+ Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng
+ Du lịch sinh thái nhân văn
Vẻ đẹp nên thơ của Thác Chín Tầng
Ngoài những địa điểm trên, bạn có thể ghé thăm đồi thông Hà Tam (được ví như đồi thông Đà Lạt ở Gia Lai), thác Công Chúa, thác 9 tầng,…
Buổi tối thì bạn có thể tới các con đường cafe nổi tiếng ở thành phố Pleiku như: đường Wuu, đường Hoàng Văn Thụ,…
Các món ăn ngon nên thử khi du lịch Gia Lai
Ngoài các món ăn đặc sắc mà ở Gia Lai hay các tỉnh xung quanh cũng có như Gỏi lá, Cà đắng, Măng thì Gia Lai vẫn có những món ăn đặc biệt, theo kinh nghiệm du lịch Gia Lai thì đã lên đến Gia Lai các bạn cần phải thử.
Phở khô Gia Lai
Có thể nói đây là món ăn được nhắc đến nhiều nhất khi đến du lịch Gia Lai. Phở khô có phần giống phở miền Bắc nhưng lại có phần giống hủ tiếu miền Nam, là sự kết hợp khá hài hòa của hai món ăn đặc trưng của hai miền Nam Bắc tại Tây Nguyên. Các tiệm phở khô ở Gia Lai có ở khắp các đường phố, thường bán cả ngày chứ không chỉ bán như một món quà sáng như ở các địa phương khác. Món này còn có tên khác là “phở hai tô” vì bánh phở và nước được để riêng thành hai bát.
Phở khô – đặc sản không thể quên khi đến du lịch Gia Lai
Bún mắm cua
Bún mắm cua có mặt ở hầu hết các tỉnh khu vực Tây Nguyên nhưng nhiều người cho rằng nó có nguồn gốc là của những người Bình Định khi di cư tới Gia Lai thì đã làm ra món ăn này. Đây không phải là món ai ăn cũng thấy thích ngay vì mùi vị đậm của nó. Nước dùng bún cũng được nấu từ cua đồng như Canh bánh đa Cua, Bún riêu cua nhưng điểm khác biệt nhất đó là cua đồng sau khi lọc lấy nước thì nước này được ủ khoảng 1 ngày để lên men, đây chính là lý do tại sao món này lại có mùi vị khác biệt như vậy.
Canh lá bép
Những người dân nơi đây tìm thấy trong rừng của mình có hàng trăm các loại lá khác nhau mà không nơi nào có được, và lá bép là một trong những loại có nhiều nhất. Lá này có vị ngọt lợ nên người dân còn gọi là “lá mỳ chính”. Trước đây vào thời kỳ chiến tranh, người dân chỉ cần cho vài lá bép vào nồi nước là đã có một nồi canh cho cả gia đình. Nhưng ngày nay đã có nhiều cách khác nhau để khiến cho món canh này ngon hơn như: canh cua lá bép, lá bép nấu cá…
Bò một nắng chấm Muối kiến vàng
Bò một nắng hay ở Gia Lai còn gọi là bò một nắng hai sương, cái tên nghe khá lạ tai và ăn cũng rất ngon. Điểm đặc biệt của món này là ở chỗ nó được chấm với muối kiến vàng. Đây thực sự là loại muối độc nhất vô nhị, được làm từ kiến của rừng Ayun Pa, Krong Pa. Người dân ở khu vực này phải vào rừng sâu để bắt được loài kiến này, đem về rang sơ, giã với ớt thật cay, trộn với một vài loại lá rừng, muối hột và dùng để chấm thịt nướng. Đây không chỉ là món ăn phải thử khi đến du lịch Gia Lai mà còn muốn mua về để làm quà hoặc dùng dần.
Bò Một Nắng Gia Lai chấm với Muối Kiến Vàng
Cá chua
Đây là một món cá được làm để có thể để lâu được, để càng lâu thì món này càng ngon. Cá chua được làm từ cá niệng, một loài cá miệng rộng giống như cá trôi nhưng mình dẹt hơn, sống ở suối. Cá được đánh hết vẩy, bỏ ruột, bóc mang và rửa sạch, cắt thành khúc nhỏ dày chừng 2 phân đến 3 phân, để ráo nước. Khi cá se khô, bắt đầu trộn đều với muối, ớt, lá bép, thính ngô, sau đó cho vào ống nứa hay ống lồ ô khô, sạch, nút thật kín, chặt rồi gác lên dàn bếp hoặc dưới mái nhà. Sau vài ngày, thịt cá nhờ các gia vị này lên men và đem lại một mùi vị rất đặc biệt.
Mua sắm tại Pleiku
Trái ngược với ăn uống, mua sắm ở Pleiku thường rất đắt đỏ. Những mặt hàng quần áo, thổ cẩm, các loại đặc sản… thường được bán với giá rất cao. Nếu muốn mua quà cho người thân, tốt nhất bạn nên nhờ người bản địa dẫn đi mua. Ngoài ra, bạn đừng ngần ngại hỏi người đi đường, người dân ở đây sẽ nhiệt tình chỉ cho bạn những gì bạn cần biết.
Lưu ý khi đi du lịch Gia Lai tự túc
- Quần áo gọn nhẹ, giày dép bệt để tiện di chuyển.
- Mang theo áo khoác, mũ, găng tay để chống nắng nếu đến vào mùa nắng và dụng cụ đi mưa nếu đến vào mùa mưa.
- Mang theo áo ấm mỏng để đối phó với cái lạnh vào sáng sớm và buổi tối.
- Mang theo lều, áo ấm dày, mền nếu có ý định cắm trại.
- Mang theo đồ dùng cá nhân, kem chống nắng, kem chống muỗi và thuốc trị côn trùng.
Gia Lai có quá nhiều nét đặc sắc và hấp dẫn đang chờ đợi bạn khám phá. Để giúp hành trình của bạn được thuận lợi hơn, việc chuẩn bị trước những kinh nghiệm du lịch Gia Lai sẽ vô cùng cần thiết. Hy vọng bạn có một chuyến đi thật thú vị và nhiều ý nghĩa!.